Xuất khẩu nhựa đang có sự phục hồi
Theo Tổng cục Thống kê, ngành nhựa hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tổng doanh thu ngành nhựa đã đạt trên 25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 22%.
Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam có thể sản xuất đầy đủ các chủng loại sản phẩm nhựa phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm nhựa Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và có mặt khắp các thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật, Úc…
Tại Đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2023 – 2028) ngày 25/10, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Chủ tịch HĐQT CTCP Rạng Đông Holding (mã RDP) chia sẻ, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại từ cuối năm 2022 đến nay do những ảnh hưởng từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19 nói riêng.
Trong những tháng gần đây, xuất khẩu nhựa đang có sự hồi phục, tháng sau cao hơn tháng trước. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tiếp đà tăng trưởng trong tháng 7, sang tháng 8, xuất khẩu sản phẩm nhựa Việt Nam tiếp tục tăng. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong tháng 8 đạt 466,8 triệu USD, dù giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn tăng 6,8% so với tháng 7.
Hiện tại, tồn kho của các thị trường lớn của sản phẩm nhựa Việt Nam đã có dấu hiệu giảm nên VPA kỳ vọng tiệu thụ sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong các tháng cuối năm 2023, đơn hàng các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn. Đồng thời, kỳ vọng đầu ra nội địa và quốc tế cũng có tiến triển tích cực trong cả năm 2024.
Thứ nhất, tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ của ngành nhựa thế giới và Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ nhựa trong tương lai, do nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế và nông nghiệp vẫn đang tăng lên.
Thứ hai, do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ hướng đến chuyển đổi sang sản xuất các loại sản phẩm thân thiện với môi trường, như nhựa tái chế, nhựa sinh học, nhựa tái sử dụng.
Thứ ba, ngành nhựa thế giới và Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới về nhựa, nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Thứ tư, do cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành, các doanh nghiệp sản xuất nhựa sẽ phải nỗ lực để tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ năm, Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các chính sách hỗ trợ cho ngành nhựa nhằm thúc đẩy sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất nhựa thực hiện các quy định về môi trường và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu hiện nay và định hướng xu hướng kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa cần có sự đầu tư nghiêm túc về công nghệ, thiết bị máy móc, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có sự phát triển trong tương lai.
“Điều này cho thấy, để hội nhập thành công, doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam cần chuẩn bị kỹ càng đón đầu cơ hội, đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu là những vấn đề mà ngành phải đối mặt và cải thiện nhiều hơn nữa”, ông Lam nói.
Đại hội Hiệp hội Nhựa Việt Nam ngày 25/10. |
70% nguyên liệu vẫn phụ thuộc nhập khẩu
VPA cho biết, sản lượng nguyên liệu nhập khẩu tăng trưởng đều qua các năm từ 5,589 triệu tấn trong năm 2018 tăng lên 7,12 triệu tấn trong năm 2022. Đến nay, Việt Nam có thể sản xuất được các nguyên liệu như PVC, PP, PET, PS, PE, với tổng công suất gần 3 triệu tấn/năm. Nguồn nguyên liệu trong nước có thể đáp ứng 30% nhu cầu thị trường nội địa, 70% còn lại được nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore…
Ông Đinh Đức Thắng, Phó chủ tịch VPA, Chủ tịch HĐQT CTCP Stavian Hoá Chất thông tin, giá nguyên liệu của ngành nhựa phụ thuộc nhiều vào giá dầu. Trong một năm qua, giá dầu dao động quanh mức 80 – 90 USD/thùng. Nguyên liệu chủ lực là PP biến động quanh mốc 1.000 USD/tấn, các nguyên liệu khác như HDPE FILM CFR, PET, PVC… có mức biến động khoảng 10 – 15%.
Theo ông Thắng, giá nguyên liệu nhựa năm 2024 sẽ bị ảnh hưởng song song với giá dầu thô. Trong khi giá dầu thô dự báo tiếp tục ở mức cao do sự cắt giảm nguồn cung từ OPEC+ và rủi ro xung đột Israel – Hamas lan rộng, nguồn cung dầu thô có thể bị gián đoạn, kéo theo sự ảnh hưởng đến hạt nhựa.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến bắt đầu các đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên từ năm 2024. Do đó, các doanh nghiệp lúc này cần theo dõi xem khi nào lãi suất được cắt giảm, giảm ở mức nào để kích thích nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.