Tin tức Việt Nam tham gia đàm phán thỏa thuận nhựa toàn cầu: Hài hòa lợi ích các bên

Nguồn: TN&MT

Việt Nam và gần 180 quốc gia đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán quyết định để hướng đến mục tiêu đạt được một thoả thuận nhựa toàn cầu vào cuối năm 2024. Thỏa thuận là cần thiết để bảo vệ môi trường bền vững, song Việt Nam cần có bước đi khôn khéo nhằm tránh “cú sốc” đối với nền công nghiệp nhựa.

Kịch bản thỏa thuận

Với vai trò một bên tham gia, phía Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đàm phán cuối cùng của Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC-5), sẽ diễn ra tại Busan (Hàn Quốc) vào tháng 11 tới để tiến tới một thỏa thuận chung toàn cầu giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.

Tính đến thời điểm hiện tại, INC đã trải qua 4 vòng đàm phán, gần đây nhất là INC-4, diễn ra tại Ottawa (Canada) vào tháng 4 vừa qua. Chia sẻ về kết quả đàm phán mới nhất tại INC-4, ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) – cho biết: Đến nay, Hội nghị INC-4 tại Ottawa là hội nghị đạt được nhiều kết quả nhất.

Trong đó, các bên đã bắt đầu đàm phán dự thảo thoả thuận. Kết quả hiện nay đang thể hiện với 75 trang tài liệu tổng hợp do Ban thư ký INC công bố. Bên cạnh đó, Hội nghị đã thành lập được 2 nhóm chuyên gia thảo luận về các vấn đề liên quan tới tài chính, kỹ thuật và dự kiến sẽ họp bàn tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 24-28/8.

“Tại sao tôi nói đây là một trong những kết quả quan trọng, bởi lẽ để đạt được kết quả này, phiên bế mạc của INC-4 đã phải trì hoãn đến gần 3h sáng. Các cuộc thảo luận cấp kỹ thuật ở cấp chuyên gia ở Bangkok dù không phải đàm phán chính thức nhưng nội dung này sẽ góp phần định hình dự thảo thoả thuận toàn cầu trong tương lai”, ông Lê Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT)

Hướng tới INC-5, đồng thời là vòng đàm phán cuối cùng, ông Lê Ngọc Tuấn nhận định: Theo nội dung phán quyết 5/14, INC-5 có thể kết thúc bằng một thỏa thuận khung. Sau đó, nội dung cụ thể sẽ tiếp tục được thảo luận chi tiết thêm. Với nhừng gì đã đạt được hiện nay, khối lượng công việc cần chuẩn bị cho INC-5 rất lớn.

Để đạt được thỏa thuận chung theo thời hạn đã đề ra, có những ý kiến cho rằng cần xác định rõ những thành tố cốt lõi, những nội dung chủ yếu cho dự thảo thoả thuận. Nội dung này sẽ tiếp tục được tổ chức tham vấn cấp trưởng đoàn kỹ thuật vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 sắp tới tại Nairobi (Kenya).

Việt Nam kỳ vọng thế giới đạt được thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa, đó sẽ là một công cụ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, quy định trách nhiệm chung của các bên tham gia. Đồng thời, cũng cần có sự phân biệt về trình độ năng lực, điều kiện hoàn cảnh, trình độ phát triển của các nước, với mỗi quốc gia khác nhau phải có mức đóng góp và trách nhiệm khác nhau

Ông Lê Ngọc Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ TN&MT

Đảm bảo lợi ích các bên

Để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán trong thời gian tới, Bộ TN&MT đã tổ chức các phiên hội thảo kỹ thuật, tham vấn với các chuyên gia và doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành nhựa.

Cụ thể, Bộ TN&MT đã mời doanh nghiệp, hiệp hội nhựa, những doanh nghiệp có liên quan đến ngành nhựa, sử dụng sản phẩm nhựa để trao dổi, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội từ câu chuyện thay đổi mô hình sản xuất, thay đổi tiêu chí thiết kế sản phẩm để bảo vệ môi trường tốt hơn. Đồng thời, việc tham vấn cũng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động và không bị bất ngờ khi thỏa thuận được thông qua.

“Trong quá trình đàm phán, Bộ cũng tham khảo ý kiến các bên liên quan để đảm bảo rằng khi Chính phủ đưa ra cam kết về một nội dung nào đó, mục tiêu nào đó, doanh nghiệp sẽ biết về vấn đề này. Chúng ta không thể cam kết và để doanh nghiệp tự triển khai thực hiện”, ông Lê Ngọc Tuấn cho hay.

Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán INC-5 sắp tới tại Busan (Hàn Quốc)

Đối với Việt Nam, sau INC-4 và hướng tới hội nghị cuối cùng INC-5, điều cần làm là bám sát xu thế. Các nội dung cụ thể cần quan tâm bao gồm trách nhiệm của Việt Nam trong việc đóng góp giải quyết ô nhiễm nhựa trong thỏa thuận này đến đâu, đâu là nghĩa vụ quốc gia, nghĩa vụ bắt buộc, những phần nào có thể tự thực hiện và phần nào cần thêm sự hỗ trợ từ quốc tế, những tác động tới phía doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành nhựa và tác động gì đến quy hoạch phát triển ngành hóa dầu của Việt Nam, có đặt ra mục tiêu giảm sản xuất nhựa polymer nguyên sinh hay không, nhựa nguyên sinh hay không.

“Tất cả những vấn đề này là những gì chúng ta cần quan tâm và phải có phương án bảo vệ lợi ích”, ông Lê Ngọc Tuấn lưu ý.

Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam mong muốn thỏa thuận này cần có độ mở và độ linh hoạt về trách nhiệm của quốc gia khi triển khai thực hiện. Cần tránh trường hợp thỏa thuận tạo ra cú sốc đối với nền công nghiệp nhựa, vì các sản phẩm này hiện diện và rất quan trọng đối với cuộc sống và trong xã hội hiện nay. Đặc biệt, có những sản phẩm rất quan trọng, rất khó thay thế, không thay thế được hoặc thay thế thì phải trả chi phí quá lớn, như trong lĩnh vực y tế.

Do đó, để đảm bảo lợi ích của Việt Nam trong nỗ lực đàm phán, Việt Nam cần dự đoán xem những quy định của thỏa thuận ra sao, những sản phẩm nào nên được quy định giảm dần hoặc tiến tới loại bỏ, những sản phẩm nào nên được coi là ngoại lệ, bắt buộc cần phải sử dụng. Bằng cách này, Việt Nam có thể đảm bảo lợi ích của chính mình và các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực đàm phán tiến tới một thoả thuận chung toàn cầu.

Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ (INC) bắt đầu hoạt động vào nửa cuối năm 2022, với tham vọng hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2024. Đến nay, đã có 4 phiên họp INC được tổ chức. Phiên họp INC thứ 5, dự kiến là phiên họp cuối cùng, sẽ diễn ra tại Busan, Hàn Quốc, vào tháng 11 tới. INC-5 được kỳ vọng sẽ đi tới một thỏa thuận chung về vấn đề ô nhiễm nhựa.

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *