Ngày 19-6, trong khuôn khổ sự kiện “Hội nghị quốc tế về xuất khẩu trực tuyến thông qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba”, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) đã phối hợp với Alibaba.com tổ chức tọa đàm “Thế mạnh Việt Nam cạnh tranh thế giới”.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng phòng Tổng hợp – Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (thuộc Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương), cho biết nhiều doanh nghiệp Việt đã biết cách tiếp cận sử dụng các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba.com và Amazon để mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, cụ thể là Chính phủ, đã ký kết thành công 18 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các tổ chức quốc tế và các quốc gia về vùng lãnh thổ. Điều này sẽ giúp đỡ doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội khi xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu…
“Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và cơ hội, doanh nghiệp Việt cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thị trường quốc tế. Trong khi đó, logistics, kho bãi hay cơ sở hạ tầng về thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều hạn chế, kém hơn so với các nước xung quanh như Singapore, Trung Quốc… Đồng thời, doanh nghiệp Việt ít có cơ hội tham gia lớp tập huấn, đào tạo nâng cao nhận biết và hiểu biết sử dụng thương mại điện tử trong kinh doanh” – ông Ngọc nhìn nhận.
Phiên thảo luận tại tọa đàm “Thế mạnh Việt Nam cạnh tranh thế giới” |
Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), cho hay các doanh nghiệp, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, chưa có nhận thức đầy đủ về pháp lý sở hữu trí tuệ về hàng hóa trên thị trường quốc tế, dẫn đến gặp nhiều rủi ro khi kinh doanh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, cụ thể mức vay dưới 1 tỉ đồng.
“Sàn thương mại điện tử cần hỗ trợ giảm thuế và các chi phí để doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn trong bối cảnh lượng đơn hàng thấp tại giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, một khó khăn lớn nhất khi tham gia Alibaba là chi phí đầu tiên tương đối lớn, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Alibaba cần xây dựng chính sách chia trả phí nhiều lần để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia” – bà Quyên nêu các ý kiến của doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện của một doanh nghiệp đang kinh doanh trên sàn Alibaba cho biết chi phí tham gia bán hàng trên sàn theo năm hiện nay thấp nhất khoảng 46 triệu đồng và trung bình trên 100 triệu đồng, mức cao trên 200 triệu đồng nhưng đi kèm là các tính năng hỗ trợ bán hàng cho người bán.
Vì vậy, doanh nhân này cho rằng chi phí trên ở mức chấp nhận được. Doanh nghiệp cần phải biết cách ổn định dòng tiền để chi trả chi phí và chiến lược rõ ràng để có thể vận hành tốt trên sàn hiệu quả.