Theo Informa Markets Việt Nam, quy mô thị trường Nhựa Việt Nam ước tính đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029, tăng trưởng tốc độ CAGR đạt 8,44%, trong giai đoạn 2024 – 2029 (Mordor Intelligence, 2023).
Theo ông Ben Wong, Tổng Giám đốc Informa Markets Việt Nam, sản lượng sản phẩm nhựa toàn cầu đã tăng gần gấp đôi kể từ đầu thế kỷ và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh do gia tăng dân số, sức mua và nhu cầu tiêu thụ nhựa hằng ngày. Tất cả chúng ta đều mong muốn nâng cao lợi ích kinh tế của ngành nhựa, đồng thời đảm bảo tính bền vững, tìm kiếm cơ hội phát triển mới.
“Giải pháp nằm ở việc giảm thiểu các vật liệu nhựa không thể tái chế, tìm nguồn cung ứng thay thế, đầu tư vào công nghệ tái chế cải tiến và phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Với mong muốn đó, Informa Markets phối hợp cùng Messe Duesseldorf Asia để quy tụ các nhà cung cấp hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới đến với các doanh nghiệp Việt Nam, nhằm mục đích kết nối kinh doanh quốc tế trên toàn ngành. Thông qua nỗ lực này, chúng tôi hy vọng sẽ tiến gần hơn đến những giải pháp thiết thực trước những thách thức xung quanh ngành nhựa.” – ông Ben Wongg chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, Ngành Nhựa Việt Nam hiện có gần 4,000 doanh nghiệp trên cả nước, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đến 90%. Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, năm 2023 là một năm đầy khó khăn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong năm 2023 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5.7% so với năm 2022. Nguyên liệu nhựa nhập khẩu năm 2023 đạt 6,8 triệu tấn giảm 4.2% so với 2022. Doanh thu ngành năm 2023 đạt 25 tỷ USD, giảm khoảng 0.7% so với cùng kỳ năm 2022.
“Trên thực tế, chúng ta đang đối mặt với những thách thức lớn trong lĩnh vực này. Vấn đề ô nhiễm nhựa, chính sách giảm thiểu sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế trên toàn cầu trong thời gian tới sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cũng như thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành. Các nhà sản xuất sẽ tìm kiếm công nghệ mới, nguyên vật liệu mới phù hợp, thân thiện với môi trường để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, hướng đến sự bền vững và thân thiện với môi trường.” – Bà Mỹ thông tin.
Theo Informa Markets Việt Nam, quy mô thị trường Nhựa Việt Nam ước tính đạt 10,92 triệu tấn vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR đạt 8,44% trong giai đoạn 2024 – 2029 (Mordor Intelligence, 2023). Dù những ảnh hưởng của tình hình kinh tế toàn cầu lên ngành nhựa là không thể phủ nhận, các chính sách kích cầu và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam.
Trong một vài năm tới, phân khúc nhựa xây dựng được dự báo sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành, chiếm khoảng 1/4 tổng ngành sản phẩm nhựa. Bên cạnh đó, ngành bao bì nhựa cũng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của các nhóm hàng tiêu dùng nhanh, nổi bật là ngành sản xuất chai nhựa, với doanh số bán chai nhựa tại Việt Nam dự kiến đạt 1,126.5 triệu USD vào năm 2033 (Future Market Insight, 2023).
Trong quá trình chuyển dịch sang nền công nghiệp nhựa tái chế, quy mô thị trường sản phẩm nhựa tái chế Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt 409,9 nghìn tấn vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng (CAGR) là 8,36% trong giai đoạn 2023 – 2028 (Report Linker, 2023). Các mối quan tâm ngày càng cao về các vấn đề môi trường và sự gia tăng giá cả của nhựa thông thường là những yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này.
Cùng với nhựa, ngành cao su Việt Nam cũng có những chuyển biến tích cực trong những tháng đầu năm. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 1/2024 đạt khoảng 260 nghìn tấn, trị giá 365 triệu USD, tăng 92,6% về lượng và tăng 99,8% về trị giá so với tháng 1/2023.
Giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á cũng có xu hướng tăng trong tháng 1/2024 do được hỗ trợ bởi triển vọng thị trường ô tô lạc quan và các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, cũng như giá dầu cao hơn. Trong năm 2023, Việt Nam là một trong năm nước xuất khẩu cao su sang Trung Quốc nhiều nhất, với tổng sản lượng 1,68 triệu tấn, trị giá 2,24 triệu USD (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 1/2024).
Theo chia sẻ của ông Dietmar Schwank, Tham tán Thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Áo tại TP. HCM, sự hiện diện của doanh nghiệp Áo tại Plastics & Rubber Vietnam 2024 cho thấy Việt Nam là một thị trường tiềm năng của ngành sản phẩm nhựa và cao su. Bên cạnh đó, đây là một triển lãm chuyên ngành đã tạo được uy tín trong khu vực và quốc tế, cũng như là điểm đến được mong đợi hàng năm của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Áo.
“Không riêng gì ngành nhựa và cao su, mà đối với nhiều ngành khác, Thương vụ Đại sứ quán Áo tại TP. HCM luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong đầu tư, chuyên giao công nghệ và kinh nghiệm chuyên ngành. Thống kê tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Áo ngày càng nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, hợp tác đầu tư… ở đa ngành nghề, lĩnh vực.” ông Dietmar Schwank chia sẻ thêm.